Từng gây được chú ý bởi phản ứng hóa học đáng yêu giữa Chải và Pu, giờ đây phim Đi giữa trời rực rỡ lại khiến dân tình than trời bởi dài dòng, vô lý.
Cặp đôi Lê và Quang đang giành được sự chú ý từ khán giả
Phát sóng đến tập 39, Đi giữa trời rực rỡ tiếp tục hành trình lan man của Chải và Pu nơi thành phố. Câu chuyện khai trương quán cà phê của Thái – công tử nhà giàu thích tự lập nghiệp hơn về làm công ty của cha mẹ – chiếm đến mấy tập, trong khi thời lượng dành cho Chải – nhân vật được khán giả yêu thích – lại quá ít.
Phim ngộ quá nên khán giả bực
Nhân vật gây bức xúc là Pu – cô gái dân tộc học giỏi và có suy nghĩ hiện đại, vượt qua nhiều rào cản để xuống phố đi học – giờ đây lại trở thành nhân vật khó hiểu nhất.
00:01:28
Trailer phim Đi giữa trời rực rỡ
Thậm chí khán giả nhận xét Pu sống vô ơn đến vô lý. Mối quan hệ giữa Chải và Pu khi họ còn trên vùng núi cao từng gây thương nhớ cho người xem, giờ đây nhạt như nước ốc.
Quan điểm về nhân vật Pu trên các diễn đàn khá đa đạng. Người thì bảo “Pu hành xử như vậy là đúng. Pu và Chải lớn lên cùng nhau ở miền núi. Pu không yêu Chải, và có cô gái nào thích một người con trai chỉ biết chơi, không có định hướng cho tương lai?”.
Chải (Long Vũ) và Pu (Thu Hà Ceri) được yêu thích trong phần đầu phim Đi giữa trời rực rỡ – Ảnh: ĐPCC
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng: “Pu thích Chải hay không thì không ép được. Nhưng mà mắc gì Pu vừa gặp Chải là thái độ rõ chán, cứ cộc cằn la mắng, mặt thì nhăn nhăn. Không yêu thì thôi, còn là bạn bè gặp nhau thì cứ bình thường, chứ mắc gì ngộ vậy. Phim ngộ quá nên khán giả mới bực”.
Con trai nghệ sĩ Vân Dung và mối tình trẻ con trong Đi giữa trời rực rỡ
Và nhiều người xem còn cho rằng diễn viên Thu Hà Ceri (vai Pu) và Vương Anh (Thái) diễn xuất trông “giả trân, thoại sượng”.
Ở tập 38, khi Chải đứng hồi hộp chờ Pu tan trường rồi chết lặng khi thấy Pu rạng rỡ tươi cười lên xe của Thái, Chải buồn khiến khán giả cũng… buồn theo anh. Thương Chải bị phụ bạc nên có bạn bảo: “Nước mắt Chải rơi, trò chơi kết thúc”.
Còn khán giả khác xem phim tức quá, chia sẻ: “Coi mà ức chế ông đạo diễn. Muốn kéo đến nhà ông cãi nhau ghê”.
“Đuối” với các tình tiết
Xem Đi giữa trời rực rỡ, thấy bộ phim này cũng “nhiễm” bệnh chung của phim truyền hình Việt là phim hay phần đầu nhưng nhạt và lan man ở các phần sau.
Cảnh trong phim Đi giữa trời rực rỡ
Dường như các biên kịch, đạo diễn không kiểm soát và “đuối dần” trong quá trình xây dựng đường dây tâm lý của Chải và Pu. Phim mở rộng khai thác đến nhân vật khác như Thái, Lê, Quang mà quên đi Pu, Chải mới là đối tượng khán giả muốn xem nhiều nhất.
Điều này gây hụt hẫng với khán giả: “Ủa một bộ phim vùng núi giờ chuyển sang thành thị. Diễn viên chính giờ thành phụ, phụ lại thành chính. Chải mất tích đâu rồi. Mất hay”.
TIN LIÊN QUAN
Phản ứng hóa học Chải và Pu nổ ‘tung tóe’ trong Đi giữa trời rực rỡ
Tranh cãi quanh phim Đi giữa trời rực rỡ: Đừng nghĩ cứ khoác trang phục dân tộc vào là hiểu họ
Dẫu vậy, số lượng khán giả xem Đi giữa trời rực rỡ trên YouTube cho thấy dù bị chê khá nhiều trong thời gian qua thì không thể phủ nhận đây là một trong những bộ phim truyền hình Việt hiếm hoi gây chú ý.
Tập đầu tiên của phim hiện tại đã đạt 1,7 triệu lượt người xem trên YouTube. Tập 39 phát sóng tối 23-9 đạt trên 500.000 lượt người xem, chỉ sau hai tiếng.
Nhiều khán giả thả comment cho hay họ vẫn còn dành tình cảm cho Đi giữa trời rực rỡ bởi “giờ coi chỉ tua đến lúc có Chải, Tả và ông Chiểu. Ba người này gánh phim còng lưng”.
“Chỉ thích xem đến đoạn có Tả với Chải, giờ đến đoạn tương tác của Lê và Quang thôi. Còn chả hiểu nữ chính kiểu gì”.
Và có ý kiến gửi gắm mong muốn rằng: “Dù Đi giữa trời rực rỡ có sóng gió hay kịch bản lạ đời đến đâu cũng mong cho kết phim sẽ thật đẹp và tỏa sáng”.
Khán giả xem Đi giữa trời rực rỡ bảo giờ chỉ thích xem tình bạn giữa Chải và Tả
Trò chuyện với Tuổi Trẻ, nhiều đạo diễn phim truyền hình khẳng định một bộ phim dài tập không thể chỉ tập trung vào một tuyến nhân vật mà phải khai thác thêm các nhân vật khác mới có nhiều chuyện để xem.
Tuy nhiên, việc phân bổ thời gian cho từng nhân vật để giữ tâm lý, nuôi dưỡng sự phát triển của nhân vật theo cảm xúc của khán giả là bài toán khó.
Biên kịch Quỳnh Lam cho rằng: “Trước nay chúng ta hay định nghĩa phim truyền hình là những bộ phim có độ dài từ 30 tập trở lên với thời lượng 45 phút/tập. Nhưng hiện nay mô hình làm phim truyền hình phong phú và có nhiều thay đổi.
Hàn Quốc làm phim chỉ từ 10 đến 15 tập/60 phút/phim. Phim Âu Mỹ từ 6 đến 8 tập/30 phút/1 bộ/1 mùa (có thể có nhiều mùa). Thái Lan làm phim từ 8 đến 20 tập/30 phút/bộ”.
Theo Quỳnh Lam, sự thay đổi này phụ thuộc vào tâm lý khán giả, đa số đang không còn đủ kiên nhẫn để ngồi xem những tình tiết lê thê, chỉ toàn thoại mà không có xung đột hay biến cố nào. Vì vậy, các phim truyền hình cần thay đổi cách kể chuyện, dẫn dắt câu chuyện phim lôi cuốn hấp dẫn hơn.