Những ngày qua, cộng đồng mạng vẫn không ngừng xôn xao trước đoạn clip nhạy cảm dài 56 giây của một nhân vật nữ được cho là giống ca sĩ Phương Mỹ Chi.
Sự việc gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của nữ ca sĩ, khiến Phương Mỹ Chi phải lên tiếng phủ nhận tin đồn, đồng thời cho biết đã gửi đơn trình báo đến cơ quan chức năng của Bộ Công an (A05 – Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao).
Tuy nhiên, đoạn clip vẫn bị phát tán mạnh mẽ trên mạng xã hội, mọi bình luận đều hướng đến Phương Mỹ Chi.
Phương Mỹ Chi là người bị hạiTrả lời phóng viên báo Lao Động về trường hợp này, luật sư Vũ Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật Nam Thành Nam (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, khi tiếp nhận đơn tố giác về tội phạm, đơn vị A05 có thể trực tiếp giải quyết hoặc chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Luật sư nhấn mạnh: “Dù có hay không là nhân vật nữ chính trong clip thì ca sĩ Phương Mỹ Chi cũng là người bị hại trong vụ việc này. Đơn trình báo của nữ ca sỹ là cơ sở để cơ quan chức năng làm rõ chân tướng sự việc.
Trường hợp người trong video không phải là ca sĩ Phương Mỹ Chi thì trước tiên, cộng đồng sẽ nhìn nhận đúng đắn và tích cực hơn về nữ ca sĩ. Đồng thời, Phương Mỹ Chi có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm (phát tán clip “nóng”) gây ra theo quy định của pháp luật”.
Theo luật sư Vũ Văn Tuấn, những người phát tán clip (bất kể người đó có phải là chủ nhân của clip hay không) sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi của mình, cụ thể: Bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (căn cứ Khoản 1, Khoản 2 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP), đồng thời có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy”, “làm nhục người khác”, tội “vu khống” quy định tại Điều 155, Điều 156 và Điều 326 BLHS.
Luật sư cho rằng, những người phát tán, đăng tải những hình ảnh, video nhạy cảm của một ai đó thường sẽ có 1 trong 3 lý do: Mưu cầu vật chất, tiền; cố tình bôi nhọ nhân phẩm, danh dự của người khác hoặc không vì mục đích nào mà chỉ là vô ý, thiếu hiểu biết.
Luật sư Vũ Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật Nam Thành Nam (Đoàn luật sư TP. Hà Nội). Ảnh: Nhân vật cung cấp
“Nếu biết trước hành vi có thể xảy ra, các bên có thể thương lượng giải quyết vì một khi hình ảnh, clip đã bị phát tán thì mức độ lan truyền rất nhanh, ít nhiều cũng đã ảnh hưởng đến nhân phẩm, danh dự của người bị phát tán clip nên cần cân nhắc.
Tuy nhiên, trong mọi trường hợp thì người bị phát tán thông tin nhạy cảm trên mạng nên thông báo ngay với cơ quan chức năng để phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, giảm thiểu tối đa thiệt hại và hậu quả không đáng có sau này”, luật sư nói.
Người lộ clip “nóng” được bảo vệ quyền lợi
Luật sư Phạm Quốc Bảo – Công ty luật Bảo Ngọc (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong trường hợp clip nóng, hình ảnh riêng tư của một cá nhân bị đăng tải lên mạng xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến cá nhân đó, thì người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật là người có hành vi phát tán clip “nóng”, hình ảnh, riêng tư đó lên mạng xã hội.
Luật sư trích dẫn: “Đối tượng phát tán clip “nóng” lên mạng xã hội có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điểm g Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03.02.2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Theo đó, cá nhân có hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng.
Luật sư Phạm Quốc Bảo – Công ty luật Bảo Ngọc (Đoàn Luật sư TP Hà Nội). Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ngoài ra, hành vi tung clip “nóng” lên mạng xã hội này còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác nên người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội “làm nhục người khác” theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS) với mức phạt tiền từ 10 – 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ 3 năm.
Trong trường hợp làm gây rối loạn tâm thần hoặc làm nạn nhân tự sát bị phạt tù đến 5 năm”.
Bên cạnh đó, tùy thuộc vào hành vi cụ thể, người cố ý phát tán những hình ảnh, clip đồi trụy còn có thể bị truy cứu về tội “truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” theo quy định tại Điều 326 BLHS 2015.
Người có hành vi làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến văn hóa phẩm đồi trụy từ 1GB trở lên hoặc khiến từ 10 người tiếp cận trở lên… sẽ bị phạt tiền lên đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trong trường hợp dữ liệu ảnh nóng có dung lượng 10GB, 500 ảnh trở lên và có 101 tiếp cận… sẽ bị phạt tù mức cao nhất 15 năm.
Mặt khác, phía người bị lộ clip “nóng” có quyền yêu cầu những người thực hiện hành vi phải chấm dứt việc phát tán/lan truyền và buộc gỡ bỏ clip nóng (Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP), đồng thời có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần trong trường hợp có thiệt hại xảy ra theo quy định tại Điều 592 BLDS.
“Người bị thiệt hại có quyền gửi đơn khởi kiện, đơn tố giác tin báo về tội phạm đến cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật”, luật sư Quốc Bảo nhận định.