Nhận thấy người dân vùng quê Angola còn thiếu thốn, Quang Linh và Team châu Phi dạy họ cách canh tác lúa nước để góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng ngày 3/6 tiếp YouTuber Phạm Quang Linh và Team châu Phi tại Hà Nội, nhân dịp nhóm về Việt Nam hoạt động từ thiện. Bà Hằng đánh giá những hoạt động của Linh và nhóm ở Angola đã góp phần quảng bá hình ảnh tươi đẹp, thân thiện của đất nước, con người Việt Nam ở châu Phi.

Năm 2016, Phạm Quang Linh, quê Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, học hết phổ thông, quyết định sang Angola, quốc gia miền trung châu Phi làm thợ xây theo diện xuất khẩu lao động. Sau một thời gian làm việc tại các công trình xây dựng ở thành phố, anh tiết kiệm, mở xưởng làm nước đá ở thủ đô Luanda.

Một số người ở các vùng quê xa xôi của Angola đã tìm đến xin làm việc ở xưởng, trong đó có Matiloi, sống ở làng Sanzala thuộc huyện Bailundo, tỉnh Huambo, cách thủ đô gần 600 km.

Trong dịp nghỉ lễ, nhóm của Linh đến làng Sanzala thăm gia đình Matiloi. Chứng kiến cuộc sống thiếu thốn của dân tại đây, Linh bỏ tiền túi, tổ chức những bữa ăn không đồng, phát gạo, nhu yếu phẩm hỗ trợ họ. Kinh phí eo hẹp, Linh còn tính bán chiếc ôtô cũ để có tiền giúp người dân nghèo.

“Ở Angola cách biệt giàu nghèo rất lớn. Những người ở các làng sâu xa rất nghèo, thậm chí còn chưa biết sử dụng giường, ở nhà bằng đất lợp cỏ. Chưa thấy nơi nào tụt hậu như vậy, nhưng họ vẫn sống vô tư, hạnh phúc, không lo âu, chạy theo cơm áo gạo tiền”, Linh, 27 tuổi, kể với VnExpress.

Đây cũng là thời điểm anh lập kênh YouTube Quang Linh Vlogs, chia sẻ về cuộc sống và hoạt động thiện nguyện ở châu Phi, nhận được nhiều quan tâm và trở thành người nổi tiếng.

Tháng 9/2022
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phạm Quang Linh (áo đỏ) trong lần một lần trao quà cho người dân bản địa, tháng 9/2022. Ảnh: Quang Linh Vlogs

Khi xưởng đá ăn nên làm ra và kênh YouTube tạo lợi nhuận, Linh lập nhóm 9 người, gồm 4 người Việt, 5 người Angola, lấy tên Team châu Phi, dần tổ chức các dự án thiện nguyện quy mô lớn hơn cho người dân bản địa.

Nhận thấy làng Sanzala chưa từng được dùng nước sạch, nhóm quyên góp tiền thuê thợ khoan giếng để tạo nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Thấy dân không có điện, họ lắp hệ thống điện mặt trời, kéo đường dây đến từng nhà.

“Khi chuẩn bị bật bóng đèn thắp sáng làng, già trẻ lớn bé tụ tập rất đông. Tất cả đều xúc động, hô hào trong vui mừng, hạnh phúc”, Linh nhớ lại.

Anh cho biết thêm tại những vùng hẻo lánh này, người dân sinh nhiều con nhưng không cho đi học, phải ở nhà lao động. Anh đã dành hai năm cùng nhóm để xây sửa trường học, đến từng nhà vận động người dân, cho 5.000 trẻ em đến lớp.

Một trong những hoạt động nổi bật ở châu Phi được Linh trình bày trong cuộc gặp Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng là quá trình giúp đỡ, hỗ trợ người dân Angola trồng lúa nước và thu hoạch vụ mùa đầu tiên.

Linh cho biết sau quá trình làm từ thiện ở 8 làng miền núi Angola, anh nhận thấy điều cần thiết hơn là cung cấp cho bà con bản địa “cần câu cơm” về lâu dài, nên quyết định cùng nhóm hướng dẫn họ làm nông nghiệp kiểu Việt Nam.

“Khí hậu nơi đây khắc nghiệt, 6 tháng mưa, 6 tháng hạn, dân lại ít kiến thức nông nghiệp. Họ chỉ trồng ngô và đậu nành vào mùa mưa rồi cất trữ để ăn vào mùa hạn. Nhưng những năm mùa hạn kéo dài, lượng lương thực tích trữ không đủ, dẫn đến cảnh thường xuyên thiếu đói”, Linh cho biết.

Vào mùa khô hạn, khi dân làng không làm gì, nhóm của Linh bắt đầu hướng dẫn họ đào mương, dẫn nước từ suối và kỹ thuật canh tác nông nghiệp kiểu Việt Nam để có lương thực quanh năm.

Hào dẫn nước từ suối do Team châu Phi và dân bản địa đào để canh tác cây trồng. Ảnh: Quang Linh Vlogs 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mương dẫn nước từ suối do Team châu Phi và dân bản địa đào để canh tác. Ảnh: Quang Linh Vlogs

Năm 2022, Linh về nước thăm nhà sau 6 năm xa xứ. Khi trở lại Angola, anh mang theo 6 thùng lúa giống từ Việt Nam để trồng thử nghiệm.

“Không phải nơi nào ở Angola cũng trồng được lúa nước, 5 vùng thì chỉ được 1 vùng, nơi có suối lớn và đất phẳng. Đất ở đây thích hợp trồng hoa màu, nhưng nếu giúp được người dân trồng lúa thì đó là niềm tự hào rất lớn”, Linh nói.

Sau thời gian chăm bón, hồi tháng 4, nhóm của Linh thu hoạch vụ lúa nước đầu tiên tại Angola. “Từ nay bà con đã có gạo!”, anh hân hoan nói trong ngày gặt.

Sau thành công ban đầu, Linh quyết định đầu tư mua 14 ha đất hoang, giống cây trồng, thuê nhân công, mang máy cắt cỏ từ Việt Nam sang, làm trang trại chăn nuôi và trồng trọt. Một số chuyên gia nông nghiệp Việt Nam hay tin cũng đến châu Phi để hỗ trợ nhóm về kỹ thuật canh tác.

Trang trại đến nay cho ra nhiều nông sản đa dạng như ngô, mía, rau củ, cùng gia súc, gia cầm, thủy sản, tạo sinh kế cho nhiều người bản địa. Nhóm cũng hướng dẫn người dân bán nông sản ra thị trường để tạo thu nhập, ổn định cuộc sống.

“Trước đây, chúng tôi chỉ ăn thức ăn từ ngô, sắn. Linh tới và mang nhiều hoa trái Việt Nam đến làng quê cằn cỗi. Làng giờ mọc lên những ngôi nhà rất đẹp và có nhiều loại lương thực đa dạng”, Matiloi nói với VnExpress trong chuyến thăm Việt Nam cùng con trai Lôi Con và nhóm của Linh.

Phạm Quang Linh (thứ hai từ trái sang) thu hoạch lúa cùng người dân Angola, châu Phi. Ảnh: Quang Linh Vlogs 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phạm Quang Linh (thứ hai từ trái sang) thu hoạch lúa cùng người dân Angola. Ảnh: Quang Linh Vlogs

Kênh YouTube của Linh với các video về cuộc sống châu Phi hiện có 4 triệu lượt đăng ký. Anh cho biết thu nhập từ kênh và các hoạt động kinh doanh được sự ủng hộ của cộng đồng sẽ được sử dụng để phục vụ lại cộng đồng ở cả Angola và Việt Nam.

Sau đại dịch Covid-19, Linh và những người bạn trong Team châu Phi cũng nhiều lần về Việt Nam, tham gia nhiều hoạt động xã hội giúp đỡ người dân những vùng khó khăn trong nước.

Tại buổi gặp hôm qua, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng bày tỏ mong muốn Linh và nhóm ngày càng ổn định, phát triển, đoàn kết, chung tay xây dựng cộng đồng người Việt tại Angola phát triển, vững mạnh.

Sắp tới, Linh cho biết sẽ đẩy mạnh canh tác lúa, chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng cho người dân Angola. “Mong muốn lớn nhất là gây dựng được nông trại lớn nhất vùng, trồng nhiều nông sản và chăn nuôi cừu, dê, xây dựng mô hình nông nghiệp bền vững tại vùng đất vốn hoang hóa”, Linh nói.

“Linh đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều, chúng tôi không muốn người Việt Nam rời đi, chúng tôi muốn tiếp tục học hỏi từ các bạn”, Matiloi nói.